Trong tháng 5, số liệu từ các tổ chức thế giới đều cho thấy sản lượng sản xuất gạo toàn cầu chỉ nhích nhẹ hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.
Về diễn biến giá gạo, chỉ số giá gạo FAO trung bình đã tăng 15 tháng liên tiếp đạt 109,2 điểm trong tháng 5, cao nhất trong 12 tháng và tăng 3,5% so với tháng 4 nhưng vẫn thấp hơn 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Việt Nam, sức nóng của “cơn sốt” giá lương thực, thực phẩm toàn cầu đang mở rộng đến khu vực Đông Nam Á và ngành lúa gạo. Tuy nhiên, giá gạo của Việt Nam ở thị trường xuất khẩu lại tăng khá chậm dù neo ở mức cao.
Cụ thể, xuất khẩu gạo tháng 5 của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây với 710.371 tấn, trị giá 347,1 triệu USD, tăng mạnh 27,8% về lượng và 25,8% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,5% về lượng và tăng 2,5% về trị giá.
Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD, tăng 6,9% về lượng nhưng giảm 3,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với thị trường trong nước, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) biến động nhẹ trong tháng 5, hoạt động giao dịch thưa thớt trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm do thu hoạch vụ Đông Xuân đã kết thúc trong khi vụ Hè Thu chưa thu hoạch được nhiều.
Với nhu cầu mua gạo của các thị trường đang tăng, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc, bởi sản lượng gạo Trung Quốc bị giảm sút do ảnh hưởng của lũ lụt và nguồn gạo dự trữ của Philippines đang giảm mạnh, cần nhập vào.
Trong thời gian qua, không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng đang chịu nhiều áp lực khi chi phí đầu vào tăng cao, đáng quan tâm là cước vận chuyển quốc tế vẫn chưa hạ nhiệt. Chí phí đầu vào tăng, đầu ra khó tăng do bị cạnh tranh gay gắt với các quốc gia xuất khẩu khác.
Xem chi tiết báo cáo thị trường gạo tháng 5/2022 tại đây: