Kinh doanh

EU hy vọng sớm nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua đường Biển Đen

EU hy vọng sớm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua các cảng ở Biển Đen bởi những phương thức thay thế sẽ không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
crawl-20220619075448838.jpg?width=700

Cảng hàng hóa ở thành phố Odessa, Ukraine. Ảnh: Reuters/TTXVN.

Ngày 18/6, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell cho biết khối này hy vọng sẽ tìm ra giải pháp cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua các cảng ở Biển Đen trong những ngày tới, bởi những phương thức thay thế sẽ không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo ông Borrell, việc nối lại xuất khẩu của Ukraine bằng đường biển là vô cùng quan trọng, do vậy EU đang hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc (LHQ) trong vấn đề này. Ông cũng bày tỏ hy vọng có thể tìm ra giải pháp trong những ngày tới, nếu không có nguy cơ xảy ra thảm họa lương thực toàn cầu.

Các nước phương Tây tăng cường áp lực trừng phạt đối với Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2. Các biện pháp trừng phạt chủ yếu ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng và sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, châu Âu và Mỹ phải đối mặt với tình trạng giá ngũ cốc tăng mạnh.

Ông Joseph Borrell cũng cho biết  khối này sẵn sàng hợp tác để ngăn chặn bất kỳ tác động “không mong muốn” nào từ các biện pháp trừng phạt Nga, thí dụ như chuỗi cung ứng lương thực bị đứt gãy và tình trạng “tuân thủ quá mức” liên quan đến các hoạt động thanh toán.

Quan chức EU nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của liên minh không bao giờ nhằm vào hoạt động xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga, do đó, mọi giao dịch thanh toán liên quan đều được đảm bảo an toàn và không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt này.

Theo người phát ngôn Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) Thomson Peary, tình hình ở Ukraine có thể dẫn đến nạn đói toàn cầu. Ông Peary cho biết Ukraine và Nga chiếm 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới, 20% lượng ngô xuất khẩu và 76% nguồn cung hạt hướng dương, vì vậy, mọi sự gián đoạn trong sản xuất hoặc nguồn cung đều có nguy cơ dẫn đến tình trạng giá cả lương thực tăng vọt.

(Theo: http://vietnambiz.vn/eu-hy-vong-som-noi-lai-xuat-khau-ngu-coc-cua-ukraine-qua-duong-bien-den-20226197578469.htm)
Cùng chuyên mục

Nhiều cơ hội cho gạo đặc sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường Bắc Âu

Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn 1 tỷ USD

Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á lãnh thêm 10 năm tù

Quy hoạch hiệu quả, thúc đẩy logistics khu vực ĐBSCL phát triển

Kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản

Nhận định chứng khoán phái sinh phiên 21/6: Lùi về vùng quanh 1.200 điểm để kiểm tra cung cầu

Giám đốc điều hành DHL: Giá cước vận chuyển container có thể không bao giờ giảm xuống mức trước đại dịch

HSG rớt 70% từ đỉnh, HPG mất 22% từ sau cảnh báo của Chủ tịch Trần Đình Long

Cổ phiếu tâm điểm 21/6: GVR, DHC, DXS

Công ty riêng của Chủ tịch Lê Phước Vũ đăng ký bán sạch 17,7 triệu cổ phiếu HSG khi giá giảm 70% từ đỉnh