Hạnh phúc không phải là một điểm đến, hạnh phúc là một hành trình
Tiếp nối bài "Địa phương đầu tiên đi tìm tiêu chí gia đình hạnh phúc của riêng mình" đăng trên Báo Phụ Nữ Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã thông tin thêm một số nội dung nhằm mang đến cho bạn đọc cái nhìn rõ hơn về Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, Bộ tiêu chí ra đời nhằm góp phần triển khai thực hiện hiệu quả công tác gia đình, phát huy giá trị truyền thống gia đình Việt Nam, để định hướng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay. Vậy nên, TPHCM đã trở thành địa phương đầu tiên của cả nước mạnh dạn đi tìm những tiêu chí riêng để đánh giá gia đình hạnh phúc cho riêng mình thông qua Đề án "Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TPHCM giai đoạn 2021-2030".
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, nội dung Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TPHCM là kết quả của sự kế thừa, tiếp thu, điều chỉnh và bổ sung từ "Bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc" (có 33 tiêu chí) và "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (có 4 mối quan hệ trong gia đình) và những yêu cầu từ thực tiễn tại TPHCM. Nội dung Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc gồm 5 tiêu chí: Tiêu chí về ứng xử trong gia đình; tiêu chí về điều kiện vật chất; tiêu chí về điều kiện tinh thần; tiêu chí về giáo dục; tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe.
Bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc là tập hợp những tiêu chí đặc trưng, phản ánh được những khía cạnh quan trọng nhất của đời sống gia đình, mà căn cứ vào đó có thể đo lường và đánh giá được mức độ hạnh phúc của các gia đình, trong bối cảnh quan niệm và việc thụ hưởng hạnh phúc trong đời sống gia đình đã có nhiều thay đổi.
Vì vậy, các nội dung của Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn thành phố có đầy đủ các đặc điểm của gia đình Việt Nam đang trong quá trình phát triển. Nó vừa tiếp nối các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, vừa tiếp thu các giá trị nhân văn mới của gia đình hiện đại; vừa đề cao các giá trị thực tế, bảo đảm sự sinh tồn của gia đình, vừa hướng tới các giá trị nâng cao chất lượng cuộc sống; vừa thỏa mãn nhu cầu của người dân, vừa phù hợp với chiến lược xây dựng gia đình hạnh phúc của Thành phố trong giai đoạn mới.
Vậy "Ai sẽ hài lòng, ai sẽ hạnh phúc và ai sẽ thực hiện đo lường việc thực hiện các nội dung của Bộ tiêu chí?".
Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, chính các thành viên trong gia đình, chính mỗi gia đình sẽ vừa tự đo lường sẽ vừa là đối tượng tự điều chỉnh sao cho gia đình mình hạnh phúc. Vì không ai có thể biết hay cảm nhận được hạnh phúc của gia đình người khác, chính bản thân thành viên trong gia đình đó sẽ là người cảm nhận, cảm thụ. Vì hạnh phúc là mức độ hài lòng của một người về cuộc sống của mình xét trên tổng thể. Mức độ hạnh phúc giữa các lĩnh vực khác nhau sẽ khác nhau.
Để Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc thực sự phát huy hiệu quả, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho rằng, chỉ khi nào, mọi thành viên gia đình tiếp cận được các tiêu chí của Bộ tiêu chí sẽ thúc đẩy thay đổi nhận thức và hành vi của tất cả thành viên gia đình, cộng đồng và xã hội. Cả hệ thống chính trị, người dân, gia đình và xã hội cùng nhau chia sẻ và áp dụng để từng tiêu chí trở thành một phần trong hành trình xây dựng gia đình hạnh phúc.