Sức khỏe

Hiểm họa từ giảm cân “thần tốc” bằng thuốc tiêm tan mỡ

PNO - Mong muốn giảm cân nhanh, một số chị em ở TPHCM nghe theo lời quảng cáo đi tiêm thuốc tan mỡ, chưa thấy đẹp đâu đã phải vào bệnh viện điều trị nhiều tháng liền.

Hậu quả đáng sợ 

Biết chị N.T.L. (29 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) muốn giảm cân nhanh, một người bạn giới thiệu chị đến một cơ sở làm đẹp tại Q.1 để tham gia liệu trình giảm cân “thần tốc”. Theo người bạn này, chị L. muốn giảm cân ở vị trí nào trên cơ thể, chỉ cần tiêm “thần dược” vào vị trí đó chứ không phải tốn thời gian hay ăn kiêng.

hiem-hoa-tu-giam-can-_951656000674.jpg
Chị N. phải chịu nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần trong thời gian điều trị - Ảnh: Phạm An

Khi chị L. đến, người tư vấn cho biết chỉ với vài mũi tiêm, chị L. không cần phải phẫu thuật, ăn kiêng, tập luyện mà chỉ… ngủ một giấc sẽ có thân hình như mơ. Bởi “thần dược đốt mỡ” được nhập từ Anh về, chỉ hóa lỏng mỡ chứ không ảnh hưởng đến các mô khác. Lượng mỡ thừa được hóa lỏng sẽ đào thải ra ngoài cơ thể qua các cơ quan bài tiết (?).

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Nghe bùi tai, chị L. đồng ý tiêm chất tan mỡ vào vùng hông, bụng với chi phí hơn 13 triệu đồng. Chị kể: “Tôi không thấy tên của loại thuốc này, cũng không rõ liều lượng tiêm. Không ngờ, sau khi tiêm khoảng mười ngày, hai bên hông và vùng bụng của tôi bị sưng tấy, đau nhức rồi nhiễm trùng, hoại tử da… phải nhập viện cấp cứu”. Hơn nửa năm nằm bệnh viện, đối mặt với nhiều cuộc mổ lớn, nhỏ. Có lúc quá đau đớn, xấu hổ, chị L. gần như muốn bỏ cuộc.

Theo chị L., bác sĩ phải phẫu thuật nhiều lần để xử lý mô hoại tử cho chị. Tuy nhiên, không chỉ nơi phẫu thuật, các vùng da lân cận cũng… rách toác, chảy máu, chưa kể vết thương tạo thành các ổ áp xe lớn, đọng dịch mủ, rỉ máu khó cầm. Được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM điều trị, lúc này, sức khỏe chị gần như suy kiệt, rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Tại đây, các bác sĩ vừa trấn an tinh thần, vừa tỉ mẩn làm vô số lần tiểu phẫu để loại bỏ hoại tử, dùng máy hút liên tục để kiểm soát việc lan ra của thuốc tan mỡ. Tuy hiện tại chị L. đã lành bệnh, nhưng vùng da bụng, hông bị sẹo lớn cùng sự ám ảnh khiến chị khó lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Cùng tình trạng như chị L., chị T.B.V.N. (43 tuổi, ở Q.8) cũng phải điều trị gần một năm mới có thể thoát khỏi biến chứng khi tự mua chất tan mỡ về tiêm. Theo chị N., trong một lần lên mạng tìm mua thuốc giảm cân, chị vô tình thấy có thuốc tan mỡ. Vào xem thử, chị N. bị thu hút bởi các lọ thuốc tiêm tan mỡ loại 5ml, được giới thiệu xuất xứ từ Hàn Quốc, một hộp có 5 hũ, mỗi hũ giá 430.000 đồng.

“Tôi hỏi có cần đến bệnh viện nhờ bác sĩ tiêm hay không, chị bán hàng cho rằng thuốc này lành tính. Muốn thon gọn ở đâu thì có thể tự mình tiêm ở đó. Tôi ngại đến bệnh viện nên khi mua về, tôi nhờ cháu gái tiêm. Sau tiêm bảy ngày, eo, đùi, bụng của tôi bị sưng căng lên rồi rỉ máu. Tôi gọi đến số điện thoại nơi bán hàng, họ chặn số, bỏ mặc tôi”, chị N. cho biết.

Nguy hiểm hơn silicon

Theo tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cả hai bệnh nhân trên đều phải trải qua nhiều ca mổ để cắt lọc vết thương hoại tử, khâu da, bù máu… chịu nhiều đau đớn và khủng hoảng tinh thần. Nhất là sau mổ, các vết khâu bị ảnh hưởng của chất tan mỡ không thể lành lại, bởi thuốc không chỉ làm tan tế bào mỡ mà còn phá hủy luôn các mô, cơ ở vùng lân cận. Vì vậy, thời gian điều trị của các bệnh nhân khá dài.

Bác sĩ Hiệp cho biết, chất tan mỡ có thành phần chính là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ Deoxycholate natri (DC), tên thương mại là Lipostabil, Dermaheal LL hoặc Liponsaure. Mặc dù các chuyên gia cảnh báo loại thuốc này thiếu an toàn trong làm đẹp, nhưng chúng vẫn được lưu hành tại một số nước châu Âu.

“Khi tiêm thuốc tan mỡ vào các mô mỡ, thuốc sẽ dần phá hủy các tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng nhũ tương, loại thuốc này chỉ để chữa chứng thuyên tắc mạch máu phổi do mỡ hoặc người bệnh bị rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, một số cơ sở làm đẹp đã lợi dụng đặc tính của Lipostabil và quảng cáo sản phẩm như một loại “thần dược” giúp làm tan mỡ trên cơ thể”, bác sĩ Hiệp nói. 

Việc sử dụng sai chỉ định thuốc tan mỡ khá nguy hiểm. Bởi bên cạnh việc phá hủy tế bào mỡ, thuốc này còn phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nằm trong vùng ảnh hưởng của thuốc, tạo ra những u mỡ tại chỗ, gây viêm mô tế bào, tạo sẹo vĩnh viễn.

“Mặt khác, thuốc này không tụ lại mà tan trong tế bào, khó kiểm soát việc lan qua vùng da khác. Thuốc phá hủy mô liên kết nên rất khó để xử lý, khâu vết thương. Có những bệnh nhân, chúng tôi điều trị bằng nhiều cách, tốn thời gian dài mà không thể lành da. Ngoài làm cho người tiêm bị đau nhức, hoại tử da, thuốc gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và thậm chí trả giá bằng cả tính mạng. Làm đẹp bằng thuốc tan mỡ còn đáng sợ hơn silicon”, bác sĩ Hiệp cảnh báo. 

Thuốc tiêm tan mỡ bị cấm tại nhiều quốc gia

Trước những biến chứng nguy hiểm của thuốc tan mỡ, ngày 7/4/2010, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Bộ Y tế Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch… từng cảnh báo và cấm sử dụng Lipostabil với mục đích làm tan mỡ. Còn ở Việt Nam, các loại thuốc tiêm tan mỡ để giảm béo đều chưa được ngành y tế cấp phép.

Vì vậy, khi bị các tiệm spa, cơ sở làm đẹp không uy tín tư vấn giảm cân nhanh bằng thuốc tan mỡ, người có nhu cầu làm đẹp hãy từ chối ngay bởi rất nguy hiểm. Người đã tiêm thuốc tan mỡ bị biến chứng cần phải đến bệnh viện gấp để chữa trị càng sớm càng tốt, chậm trễ có thể bị hoại tử lan rộng, rất khó cứu chữa.

Trên thực tế, một số bệnh nhân tiêm chất tan mỡ bị biến chứng, hoại tử, nhiễm trùng nặng, thời gian điều trị lên đến hơn một năm. Bệnh nhân vừa đau đớn, vừa tốn nhiều chi phí điều trị, chưa kể đến những tổn thương về tâm lý trong quá trình điều trị. Do đó, người có nhu cầu làm đẹp, giảm cân, nên đến các cơ sở uy tín, hoặc bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để được tư vấn và thực hiện.

Phạm An

 

 

 

Cùng chuyên mục

Mụn mủ và mụn bọc thường mọc trên da đầu, có vấn đề gì không? Bác sĩ: 'Có thể liên quan 3 bệnh này'

Biến chủng BA.5 xâm nhập, cần tăng tốc tiêm vắc-xin mũi nhắc lại

Bị cận nên sử dụng kính áp tròng hay kính gọng thì tốt hơn?

Khuôn mặt của bé có '4 đặc điểm' này cho thấy tương lai sẽ rất thông minh, bố mẹ xuýt xoa nhé!

Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân ung thư đường mật rốn gan

Trong 42 ngày sau sinh có ba điều không nên cẩu thả, mẹ có biết ba điều đó là gì không?

Sự khác biệt giữa chạy bộ 30 phút vào buổi sáng và 60 phút đi bộ vào buổi tối? Có nhiều điều nên biết

5 thực phẩm người bị chứng đau đầu, đau nửa đầu nên tránh

Vị thuốc bổ huyết cho người ăn chay

Ngày 26/6: Không có người tử vong, 32 tỉnh thành không có ca COVID-19 mới