Sức khỏe

Biến chủng BA.5 xâm nhập, cần tăng tốc tiêm vắc-xin mũi nhắc lại

PNO - BA.5 được đánh giá là một trong những biến chủng nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh, khiến tỷ lệ nhập viện nhiều hơn. Do đó, khi nó xuất hiện ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin mũi nhắc lại cho người lớn và tiêm phòng cho trẻ em.

BA.5 có thể khiến số ca mắc COVID-19 tăng nhanh

Việt Nam đã ghi nhận sự có mặt của BA.5 - một biến chủng phụ của vi-rút Omicron gây bệnh COVID-19. Hồi tháng 3/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát, còn Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) liệt dòng phụ này vào danh mục “các biến thể đáng lo ngại”. 

ECDC cũng cảnh báo biến chủng này cùng với BA.4 sẽ lây lan rộng trong thời gian tới. Bà Sorroco Escalante - Quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - đánh giá, sự xuất hiện và gia tăng của BA.5 ở một số quốc gia trên thế giới đã khiến tỷ lệ nhập viện, hồi sức cấp cứu gia tăng. 

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Tại Việt Nam, gần đây, số ca mắc COVID-19 vẫn đang được kiểm soát, số ca tử vong gần như bằng không. Biến chủng chủ yếu được ghi nhận trong nước là BA.2 với biểu hiện bệnh nhẹ. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân, BA.5 sẽ có nguy cơ lấn lướt biến chủng cũ, tạo áp lực lên ngành y tế. Cục Y tế dự phòng sẽ chủ động giám sát để có đề xuất về các biện pháp chống dịch phù hợp.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng mũi cơ bản cao nhất trên thế giới và hiện đang tiêm mũi thứ ba, thứ tư cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, có một số người chủ quan, thờ ơ với việc tiêm nhắc khiến tiến độ tiêm chủng bị chậm, nhiều khả năng không đạt kế hoạch đề ra. Thậm chí, ở nhiều địa phương, nhiều người không đi tiêm dù đã nhận được giấy mời. 

Ông Phan Trọng Lân nói: “Với các loại vi-rút thông thường, vắc xin thường có xu hướng tăng dần miễn dịch nhưng vi-rút SARS-CoV-2 lại biến đổi gần như không lường được. Hồi tháng 9/2021, Việt Nam xuất hiện biến chủng Delta nhưng một tháng sau, lại xuất hiện Omicron. Biến chủng BA.4 và BA.5 hiện có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Omicron ban đầu. Theo WHO, nơi nào có vùng kháng thể chưa đảm bảo thì nguy cơ lây nhiễm, kết hợp trở thành biến thể mới sẽ gia tăng. Do đó, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng cao là điều hết sức quan trọng”. 

2274_1-ntd-0483.jpg
Người dân Hà Nội tiêm vắc xin COVID-19 vào đợt dịch bùng phát lần thứ tư, trong năm 2021 Ảnh: Bảo Khang 

Vắc xin hiện hành vẫn hiệu quả với biến chủng mới

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Vương Ánh Dương, các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận, hiệu quả bảo vệ của mũi vắc xin phòng COVID-19 cơ bản giảm dần trong vòng sáu tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi-rút ở mức cao hơn so với các biến chủng vi-rút SARS-CoV-2 trước đây. Do đó, những người đã tiêm mũi cơ bản mà không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh. 

Ông nói: “Người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh ở mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực”. 

Cũng theo ông Vương Ánh Dương, việc tiêm nhắc vắc xin COVID-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, giúp cơ thể không mắc COVID-19 hoặc giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và số ca tử vong do COVID-19. Theo một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10 - 19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. 

Theo một nghiên cứu tại Pháp, nếu được tiêm liều nhắc, tỷ lệ người không tái nhiễm lên đến 81%. Còn theo một nghiên cứu tại Mỹ, những người từng mắc COVID-19, nếu chỉ tiêm hai liều tỷ lệ không tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì tỷ lệ này là 67,6%. 

Theo một nghiên cứu gần đây do tạp chí y khoa NEJM công bố, hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ tư thể hiện ở cả năm cấp độ của bệnh, bao gồm bảo vệ khỏi mắc bệnh, mắc bệnh có triệu chứng, mắc bệnh phải nhập viện, mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy kịch và mắc bệnh dẫn đến tử vong. Cụ thể, hiệu quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 là 52%, hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%, hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc COVID-19 là 72%, hiệu quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64% và hiệu quả bảo vệ khỏi tử vong do COVID-19 là 76%. 

Các nghiên cứu trên thế giới - trong đó có Việt Nam - cũng chỉ ra rằng, kháng thể kháng SARS-CoV-2 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin thứ ba, đặc biệt là kháng thể chống lại biến chủng Omicron. Do đó, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ tư đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và người làm việc trong môi trường có nguy cơ phơi nhiễm cao.

Theo ông Phan Trọng Lân, dù hiệu lực của vắc xin có khác nhau đối với từng biến chủng của vi-rút gây bệnh COVID-19 nhưng vẫn có tác dụng giảm khả năng tử vong: “Hiện chúng ta vẫn chưa có đánh giá định lượng miễn dịch, tức chưa biết được với ngưỡng kháng thể nào thì có thể bảo vệ khỏi COVID-19, nhưng nếu so sánh người đã mắc và đã tiêm COVID-19 thì người đã tiêm vắc xin có kháng thể cao và lâu hơn”.

8613_2-2-15.jpg
Bác sĩ tại Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh, TPHCM đến nhà thăm khám và tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi nhắc lại cho người già - Ảnh: Phạm An

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cũng khẳng định, với biến chủng mới của SARS-CoV-2 như BA.5 thì vắc xin ngừa COVID-19 vẫn có hiệu quả trong việc làm giảm ca bệnh nặng và tử vong, từ đó bảo vệ sức khỏe của người dân và giảm nguy cơ quá tải cho ngành y tế. 

Vắc xin ngừa COVID-19 bảo vệ trẻ khỏi hội chứng MIS-C

Số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở trẻ em thấp hơn so với người lớn nhưng thời gian qua, tại Việt Nam, đã có hàng trăm trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), ảnh hưởng tới chức năng của tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… Thậm chí, có trường hợp đã tử vong. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho hay, từ tháng 1 - 5/2022, đơn vị này đã tiếp nhận 283 bệnh nhân mắc hội chứng MIS-C. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc MIS-C là từ 5 - 12 tuổi, khi Việt Nam chưa tiêm vắc xin phòng bệnh cho nhóm đối tượng này. Trong gần một năm qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận và điều trị 153 ca MIS-C, trong đó có 149 ca chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19, chiếm 97,4%.

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên đưa con đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ. Bà Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - lấy làm tiếc khi ở nhiều địa phương, có tới 50% số trẻ từ 5 - 11 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng nhưng bố mẹ vẫn không cho tiêm. 

Theo ông Vương Ánh Dương, không chỉ phòng bệnh nặng, vắc xin ngừa COVID-19 còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh, hội chứng hậu COVID-19. Mới đây, Hiệp hội Y khoa Mỹ đã ghi nhận bằng chứng khoa học từ nghiên cứu của Đan Mạch với gần 600.000 trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm COVID-19. Theo nghiên cứu này, vắc xin phòng COVID-19 làm giảm nguy cơ mắc MIS-C. Cụ thể, ở nhóm đã tiêm vắc xin, trong 1 triệu trẻ mắc COVID-19, chỉ có ba trẻ mắc MIS-C, thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm vắc xin. 

Huyền Anh

 

 

Từ khóa vắc xinbiến chủng mớiBiến chủng BA 5

*Email (không hiển thị trên trang):

*Họ tên (hiển thị trên trang):

Vui lòng nhập mã xác nhận vào ô bên dưới.
Nếu bạn không đọc được, hãy

phu-nu-can-giu-gin-hoa-ngan-_1656382705.

Phụ nữ cần giữ gìn “hoa ngàn vàng” sau tuổi 30

Cùng chuyên mục

Mụn mủ và mụn bọc thường mọc trên da đầu, có vấn đề gì không? Bác sĩ: 'Có thể liên quan 3 bệnh này'

Bị cận nên sử dụng kính áp tròng hay kính gọng thì tốt hơn?

Khuôn mặt của bé có '4 đặc điểm' này cho thấy tương lai sẽ rất thông minh, bố mẹ xuýt xoa nhé!

Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân ung thư đường mật rốn gan

Trong 42 ngày sau sinh có ba điều không nên cẩu thả, mẹ có biết ba điều đó là gì không?

Sự khác biệt giữa chạy bộ 30 phút vào buổi sáng và 60 phút đi bộ vào buổi tối? Có nhiều điều nên biết

5 thực phẩm người bị chứng đau đầu, đau nửa đầu nên tránh

Vị thuốc bổ huyết cho người ăn chay

Ngày 26/6: Không có người tử vong, 32 tỉnh thành không có ca COVID-19 mới

Không phải cha mẹ lúc nào cũng đúng, những dấu hiệu của cha mẹ chưa trưởng thành về cảm xúc