Thị trường

Nhận biết một số thủ đoạn lừa đảo vay tiền online

Vay tiền online là hình thức vay kiểu mới, nhanh chóng và tiện dụng nên được ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của việc vay tiền online để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu vay. Chúng thường áp dụng một số thủ đoạn tinh vi như dưới đây.

Vay tiền online và những lợi ích

Vay tiền online là việc người vay điền thông tin hồ sơ vay theo hình thức trực tuyến, thông qua website hoặc ứng dụng di động mà ngân hàng hay công ty tài chính chỉ định. Sau đó, việc thẩm định và phê duyệt cũng được tiến hành trực tuyến. Khi có kết quả, ngân hàng hay các công ty tài chính, gọi chung là các tổ chức tín dụng, sẽ thông báo tới khách hàng và giải ngân vào tài khoản được chỉ định. Vay tiền online đem lại lợi ích cho cả hai bên. Khách hàng thì tiết kiệm thời gian khi có thể nộp hồ sơ vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Thậm chí, có thể nộp hồ sơ cho nhiều tổ chức tín dụng mà không phải đến tận nơi. Tổ chức cho vay thì tiết kiệm được thời gian, nhân sự, tối ưu hoá hoạt động và gia tăng trải nghiệm khách hàng. Các chuỗi cầm đồ hợp pháp, được nhà nước cấp phép và quản lý, hoạt động trên nền tảng CNTT hiện đại như chuỗi cầm đồ F88 cũng đã triển khai đăng ký vay tiền online. Vay tiền online đang trở thành một xu thế.

Tuy nhiên, xu thế này lại bị méo mó bởi hiện có nhiều cá nhân, tổ chức chưa được nhà nước cấp phép cũng cho vay tiền theo hình thức online với mục tiêu rõ ràng là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua nhiều hình thức khác nhau. Sở dĩ, chúng có thể hoành hành là bởi chúng có những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý cả tin và hoàn cảnh khó khăn của người vay. Dưới đây là một số thủ đoạn phổ biến.

Thủ đoạn lừa đảo vay tiền online

Các đối tượng thường mạo danh ngân hàng, công ty tài chính có uy tín để giới thiệu các gói vay như vay bằng căn cước công dân, bằng bảng lương, bằng thẻ ATM… Đặc điểm nhận diện chúng là chỉ giao dịch bằng một số điện thoại cá nhân và không có phòng giao dịch cụ thể. Khi người vay đồng ý, chúng sẽ bắt gửi đầy đủ giấy tờ cần thiết như bản sao bảng sao kê lương, hợp đồng lao động, hợp đồng mở thẻ ngân hàng… Sau một vài ngày, đối tượng sẽ gọi lại thông báo hồ sơ không đủ điều kiện vay và cắt liên lạc. Thực tế, chúng đã mang hồ sơ đi vay tại một tổ chức tín dụng khác, đổi số điện thoại và số tài khoản nhận tiền. Một thời gian sau, nhận được thông báo đòi nợ thì khách hàng mới hay mình phải trả một khoản nợ không hề vay. Trong trường hợp này, ngay từ đầu, khách hàng cần liên hệ trực tiếp với tổng đài chính thức của tổ chức cho vay, làm theo hướng dẫn và chỉ cung cấp hồ sơ cho nhân viên mà đơn vị giới thiệu.

Vẫn mạo danh các đơn vị cho vay uy tín nhưng một thủ đoạn khác được áp dụng với những người cao tuổi, người ở khu vực nông thôn là yêu cầu đóng phí phê duyệt khoản vay. Sau khi giới thiệu các khoản vay rất dễ dàng như vay bằng căn cước công dân, vay không cần tài sản đảm bảo, chúng yêu cầu khách nộp hồ sơ. Sau vài ngày thì liên hệ lại báo hồ sơ có sai sót, cần phải đóng phí phê duyệt khoản vay và hứa khi giải ngân thì sẽ trả lại khoản phí này. Số tiền yêu cầu thường từ 1.000.000đ đến 3.000.000đ, tuỳ giá trị khoản vay và phải chuyển vào tài khoản cá nhân. Khi nhận được tiền, chúng ngắt toàn bộ liên lạc. Trong những trường hợp này, khách hàng không được chuyển bất cứ khoản tiền nào bởi không một ngân hàng, công ty tài chính nào thu phí phê duyệt khoản vay.

Cuối cùng và phổ biến nhất là vay tín dụng đen đúng nghĩa với những lời quảng cáo vay không cần thẩm định, giải ngân tức thì, lãi suất siêu thấp. Ngay khi khách ngỏ ý, chúng lập tức chuyển khoản nhưng chỉ chuyển 70% - 80% số tiền thoả thuận. Phần tiền chênh lệch được lý giải là phí phê duyệt khoản vay hoặc tiền lãi trả trước nhưng đến kỳ trả nợ, chúng vẫn bắt khách hàng phải trả thêm một số khoản phí mà không ai biết từ đâu ra. Nếu trả chậm, dù chỉ một ngày, các khoản lãi, phí sẽ tăng phi mã, gấp cả chục lần mức lãi phí mà các đơn vị cho vay hợp pháp áp dụng. Nếu không trả hay chậm trả, chúng sẽ đòi nợ theo kiểu giang hồ, bôi nhọ danh dự, xâm phạm sức khỏe, tính mạng không chỉ của người vay mà còn của gia đình, bạn bè người vay. Trong trường hợp này, người vay nên tập hợp chứng cứ bao gồm lịch sử tin nhắn, các đoạn ghi âm cuộc gọi, hợp đồng hoặc giấy vay nợ, hình ảnh, bài viết bôi nhọ danh dự cá nhân, hậu quả việc các đối tượng bày trò khủng bố rồi làm đơn tố giác gửi công an để điều tra, xử lý. Hiện tại, công an các tỉnh thành đều đã công bố điện thoại đường dây nóng hỗ trợ xử lý tín dụng đen.

Trên đây là một số thủ đoạn lừa đảo và giải pháp nhận diện, đối phó. Tất nhiên, để giải quyết triệt để vấn nạn này, ngoài sự can thiệp của cơ quan chức năng thì quan trọng nhất vẫn là người đi vay. Chỉ vay khi thực sự cần và tỉnh táo tìm hiểu rõ ràng đơn vị cho vay là giải pháp căn cơ nhất. 

 

Cùng chuyên mục

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh

Highlands, HiPB tăng giá cà phê, đồ uống

Việt Nam sẽ trở thành "công xưởng mới của thế giới"?

Khó vay tiền ngân hàng do hạn mức eo hẹp

Việt Nam sẽ soán ngôi Trung Quốc, trở thành "công xưởng của thế giới"?

Nhiều người bị lừa khi mua gói du lịch giá rẻ

Vinamilk Green Farm - dấu ấn rõ nét của ngành sữa Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững

Ngân hàng Việt “săn” nhân tài từ nước ngoài

Nhiều sản phẩm du lịch hè 2022 đáng chú ý tại TPHCM

Giá xăng có thể lên sát 33.000 đồng/lít